Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Những con người Việt trên đất Campuchia

Cầu Chba Om Pau nằm bên bờ sông Bassac (một nhánh của sông Mê Kông) ở Phnom Penh còn có tên gọi là cầu Sài Gòn nhằm kỉ niệm việc Quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia giải phóng Campuchia trong những năm thuộc thập niên 80. Đây là khu vực tập trung đông đảo đồng bào người Việt sinh sống ở quận ngoại thành Miengchay. Hai bên bờ sông là những xóm nhà lá của Việt kiều lúp xúp, chen chúc nhau ăn lan ra bờ sông. Đằng sau cái đói, cái nghèo là cả những nỗi niềm và sự ấm áp tình người của những đứa con xa xứ.

Những câu chuyện nhỏ ở trường Tiểu học Tân Tiến

Bắt xe ôm chạy từ khu chợ Ôrưxây - nơi đặt trụ sở hội người Campuchia gốc Việt tại đô thành Phnom Penh, đến khu vực cầu Sài Gòn hết chừng 7 cây số. Đi hết cầu là rẽ vào con đường đất quanh co, gập ghềnh, bụi tung trắng xoá. Đúng hẹn, ông Vũ Văn Mười - người phụ trách khu vực đón tôi ở trường Tân Tiến để tránh "lạc” bởi khu dân cư ở đây đánh số khá phức tạp.



Cơn mưa PhnomPênh ào ạt đổ xuống trên nền đất khô cong, những em nhỏ nói tiếng Việt đang chơi gần đó cũng phải chạy vào trú mưa cùng tôi trong một mái hiên chếch ra phía ngoài cổng trường học. Hỏi ra mới biết cha mẹ các em đều là người gốc Việt hoặc người Việt sang đây làm ăn sinh sống. Mỗi em một gia cảnh khác nhau, cậu bé nhỏ tuổi nhất đứng cạnh tôi tên Nghé, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng bà nội năm nay đã ngoài 60 tuổi. Em đang học lớp 2 trường Tân Tiến, có một anh trai cùng mẹ khác cha lớn hơn 2 tuổi cũng đang sống với bà. Người bà cặm cụi nuôi các cháu bằng những đồng tiền gom góp lượm ve chai sống qua ngày. Một cậu bé khác, khá nhỏ con và còi cọc, bị các bạn chỉ vào "tố”: "Ba mẹ nó mượn tiền của người ta không trả được phải trốn về Việt Nam. Giờ nó phải sống với cô bác”. Cậu bé nghe bạn "tố”, ngại ngùng lỉnh mất… Những câu chuyện vô tư của các em khiến tôi chạnh lòng. Những người Việt xa xứ, nghèo đói cứ đeo bám như một nỗi buồn day dứt.

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Mười nằm trên con đường đất phía sau trường Tiểu học Tân Tiến chừng một cây số. Căn nhà nhỏ còn nguyên mùi vôi ve mới cất trông có vẻ "tươm” hơn những ngôi nhà bên cạnh. Ngoài hiên là những lu nước lớn xếp cạnh nhau, hỏi ra mới biết là nơi dự trữ nước cho cả xóm. Thấy nhà có khách, những người hàng xóm xung quanh cũng với ra chào.

Ông Mười vốn người Ninh Thuận, có nghề thợ điện từ trong quê nhưng về sau, do kinh tế khó khăn phải đi bôn ba khắp nơi. Đầu những năm 70, ông "dạt” về khu vực An Giang làm nghề câu lưới rồi gặp gia đình bà Hà Thị E. Cái duyên của những người nghèo kết lại với nhau từ tình thương rồi cứ thế hàng chục năm trời cùng nhau đi qua gian khó.

Bà E là người Campuchia gốc Việt, đầu 1970, do nạn diệt chủng Khơme Đỏ, gia đình bà phải chạy về khu vực xã Phú Long, Phú Tân, An Giang, sinh sống bằng nghề bán đá bào. Ở Campuchia về nước rồi lại sống giáp khu vực biên giới nhiều năm, cha mẹ bà E sớm tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong nhà. Cha bà là ông Hà Văn Điện một tay đào hầm, chặt tre về làm nơi ẩn náu cho anh em. Trong nhiều năm, căn hầm nhà bà đã chứa hàng chục cán bộ cách mạng ẩn náu.

Lấy nhau xong, vợ chồng ông bà chuyên chú làm ăn, đến đầu thập niên 90, tình hình ổn định hơn, vợ chồng lại kéo nhau sang Campuchia làm ăn. Bà làm nghề ép ve chai, đội cá thuê, ông làm phụ hồ, chạy xe ôm kiếm sống. Sống nơi đất người, ông nhận thấy bản thân mình và những người đồng hương không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý mỗi khi cần thiết. Năm 1988, ông Mười bắt đầu tham gia vào công tác hội người Việt. Kinh tế gia đình vẫn còn chật vật, lại thêm việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cũng may bà E là người hiểu và rất thông cảm cho chồng. Ông nắm rõ tình hình bà con đến và đi, gia đình nào khó khăn nhất, gia đình nào đang gặp vấn đề gì, vận động các gia đình cho con cái đi học,... rồi lại lặn lội đi xin cứu trợ cho những gia đình khó nhất. "Bị chửi hoài à cô! Ai cũng nhận mình khó mà không chịu nhận có người khó hơn mình. Như nhà tui chẳng hạn, cũng thiếu ăn liên miên nhưng có bao giờ dám cho mình vào danh sách đâu. Có đồng nào chưa kịp dư ra ông ấy cũng đã đem đi cho người ta hết. Mua được cái Honda để chạy, ông ấy cũng đi suốt xóm này sang xóm khác, tiền xăng tui cũng phải chi à” - bà E ngồi cạnh tâm sự.

Xóm bờ sông Sài Gòn có chừng 700 đến 800 hộ dân, phần lớn đều làm những nghề lao động tự do: đàn ông thì phụ hồ, khuân vác, bốc xếp, làm thuê; phụ nữ thì buôn bán lặt vặt, đi nhặt ve chai, phế liệu, làm phục vụ nhà hàng,… mỗi ngày trung bình một lao động cũng có thể kiếm được chừng 10 ria, chỉ đủ chi trả cho các khoản ăn uống, sinh hoạt trong gia đình. Một phần bà con đã sinh sống ở đây nhiều đời, phần khác nghe nói sang đây làm ăn khá thuận lợi. Việc sinh sống "dễ” nhưng không hợp pháp. Ngoài việc không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào, các quyền lợi công dân không được đảm bảo, chỗ ở cũng là một vấn đề nhức nhối với bà con nghèo người Việt. Đất ở khu vực bờ sông đều là do bà con thuê lại của người Campuchia với giá rẻ, cất tạm bợ. Năm 1984, ở đây đã từng xảy ra vụ cháy lớn, bà con được chính quyền hỗ trợ di chuyển đến một vùng khác nhưng chỉ được một thời gian, không làm ăn được bà con lại bán đất chuyển về nơi cũ. Những căn nhà lúp xúp lại dựng lên trên nền đất cháy. Sau nhiều lần vận động, truy quét, chính quyền địa phương đã nhất trí "giao hẹn” với bà con về việc "mượn đất”, khi chính quyền yêu cầu phải lập tức trả lại.

Xóm bờ sông Sài Gòn ở Campuchia với những ngôi nhà tạm bợ, những đứa trẻ nheo nhóc nhưng tình người thì lại luôn ấm áp. Nghèo thì nghèo quanh năm nhưng không một ai bị đẩy vào bước đường cùng. Sự hoạt động nỗ lực của hội người Việt trong suốt nhiều năm qua cũng là một điểm sáng đáng kể nhằm cải tạo cuộc sống của bà con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét